Thị trường Lào còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ thế, từ thị trường Lào, doanh nghiệp còn có thể lấn sang thị trường Thái Lan qua các cửa khẩu giữa Lào và Thái Lan.Ông Trần Văn Phát, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Robot khẳng định, về hàng điện gia dụng, sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Lào đánh giá là không hề thua kém hàng Thái Lan, nhiều sản phẩm còn tốt hơn, bởi thế có chữ “made in Vietnam” người Lào mới chọn mua.

thị trường xuyên biên giới tiềm năng
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (SPC) cho biết, doanh nghiệp đã triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào từ năm 2003 và thành lập Công ty TNHH Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (loại hình 100% vốn nước ngoài) tại tỉnh Champasak từ năm 2005. Doanh số các sản phẩm vật tư nông nghiệp kinh doanh tại Lào của công ty đạt trung bình 1 – 1,2 triệu USD/năm. Các sản phẩm của công ty đã đăng ký thương hiệu tại Lào, không chỉ được các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Lào sử dụng ngày càng nhiều mà cả các doanh nghiệp Thái Lan cũng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của SPC.
Theo ông Quốc Dũng, trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh tại Lào hiện nay khá thuận lợi. Ở các tỉnh hầu như đều có chợ đầu mối tập trung mua bán, giao nhận tấp nập. Nhà phân phối hoặc đại lý ở Lào đều kinh doanh đa dạng, tập trung chính trên quốc lộ ở địa điểm chuẩn bị vào thị trấn, thị xã, thành phố, có chỗ đậu xe, có chỗ trưng bày, và có các điểm trong thị trấn, thị xã để bán nhỏ lẻ. Đó là những điều kiện rất tốt cho việc phân phối, tiêu thụ hàng Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm làm việc với đại lý ở Lào, ông Quốc Dũng cho biết, các đối tác tại Lào luôn yêu cầu: xuất trình các giấy tờ thành lập công ty, giấy đăng ký sản phẩm được phép lưu hành; phải có người Lào làm trong công ty; sản phẩm phải có tiếng Việt và tiếng Lào; tặng hàng mẫu dùng thử, hàng trưng bày quảng bá; ngành nông nghiệp phải làm mô hình trình diễn, sau đó tổ chức hội thảo.
Về thanh toán, đối tác đại lý ở Lào thường yêu cầu gửi hàng gối đầu một đợt, nếu bán liên tục thì họ trả ngay bằng tiền mặt, nếu phát sinh doanh thu lớn thì chuyển khoản.
Cơ hội thâm nhập nhiều hơn cho hàng Việt Nam
Khảo sát thị trường Lào nhiều năm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đúc kết, những ngành hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt với hàng Thái Lan và Trung Quốc ở thị trường Lào gồm: thực phẩm (mì ăn liền, nước chấm, bánh kẹo, cà phê hòa tan); hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép, chất tẩy rửa); đồ điện; hàng kim khí điện máy; vật liệu xây dựng; vật tư, thiết bị nông nghiệp.
Tiêu thụ hàng Việt Nam tại Lào trong thời gian qua chưa được phát triển đúng mức do doanh nghiệp chưa có đại lý phân phối tại Lào, hàng chủ yếu xuất tiểu ngạch để bán cho một vài nhà phân phối nhỏ lẻ, chi phí vận chuyển cao, hàng hóa chưa có nhãn tiếng Lào nên người tiêu dùng chưa tiếp cận được thông tin, khâu tiếp thị chưa được thuận lợi.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã nỗ lực tổ chức các hoạt động về xúc tiến thương mại để quảng nhiều hơn cho hàng Việt Nam. Năm 2017, tại 3 tỉnh, thành phố của Lào là Viêng Chăn, Champasak và Savannakhet, ITPC đã tổ chức: Triển lãm hàng hóa “Những ngày TP.HCM tại Champasak” với 40 gian hàng của 20 doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân Lào nhận diện và trải nghiệm sản phẩm Việt Nam; Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ – Du lịch TP.HCM tại Savannakhet quy tụ hơn 200 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và 34 gian hàng của 25 doanh nghiệp Lào, đã có 50 hợp đồng và 4 bản ghi nhớ đã được ký kết.
Tháng 7/2018, ITPC đã tổ chức cho doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thương mại Việt Nam – Lào năm 2018 tại thủ đô Viêng Chăn, ký được nhiều biên bản ghi nhớ và 5 đơn hàng với đối tác Lào.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết được sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet (Lào), Tổng lãnh sự quán Lào tại TP.HCM và chính quyền tỉnh Savannakhet, sắp tới đây, tháng 10/2018, ITPC sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ – Du lịch TP.HCM tại tỉnh Savannakhet lần thứ II năm 2018. Hội chợ triển lãm sẽ có quy mô 250 gian hàng, trong đó: 200 gian hàng của doanh nghiệp TP.HCM; 50 gian hàng của doanh nghiệp 6 tỉnh miền Trung Việt Nam có chung đường biên giới với Lào gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và doanh nghiệp nước bạn Lào.
Trong khuôn khổ hội chợ triển lãm, ITPC phối hợp với Sở Công thương tỉnh Savannakhet tổ chức chương trình Kết nối giao thương (B2B) giữa doanh nghiệp Việt Nam và Lào, đưa doanh nghiệp khảo sát thị trường Savannakhet và vùng đông bắc Thái Lan để đánh giá tình hình phân phối hàng hóa nước ngoài tại thị trường tỉnh Savannakhet và vùng phụ cận.
Các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm sẽ được hỗ trợ 100% chi phí gian hàng, 100% chi phí trang trí tổng thể khu trưng bày của doanh nghiệp, 100% chi phí quảng bá, thông tin tuyên truyền, mời khách đến tham quan và giao dịch tại hội chợ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tham gia hội chợ triển lãm.
Tham gia vào việc hỗ trợ hàng Việt Nam, Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (SPC) xây dựng trung tâm thương mại sản xuất nông nghiệp Bachieng rộng 4.323 m2 cho doanh nghiệp Việt Nam thuê với giá ưu đãi và hằng năm tổ chức Ngày hội Nông sản để quảng bá nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam. Trung tâm nằm ngay ngã ba đường trên Quốc lộ 13, cách Trung tâm tỉnh Champasak (Lào) 21 km, theo hướng đi về cửa khẩu Bờ Y – Việt Nam, trên trục đường chính vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang tỉnh Chămpasak qua cửa khẩu Bờ Y – Việt Nam.
SPC có phương tiện vận chuyển hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, hướng dẫn thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, có kho trung chuyển cho thuê tại số thành phố Gia Lai nên thuận lợi trong việc trung chuyển hàng hóa sang Lào.
Với nhiều sự chung tay như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Lào trong tương lai.
Theo Thế Giới Tiếp Thị